Tự trắc nghiệm về khả năng thuyết phục và động viên mọi người
Tự trắc nghiệm về khả năng thuyết phục và động viên mọi người
Năng khiếu thuyết phục, động viên mọi người của bạn ở mức độ nào? Các kỹ năng và phong cách giao tiếp là những yếu tố quyết định khả năng đó của bạn. Một số người sinh ra đã có các khả năng này, nhưng hầu hết chúng ta đều không được may mắn như vậy. Bạn có thể cải thiện tính hiệu quả của vai trò lãnh đạo và thuyết phục của bản thân bằng cách tìm hiểu và sử dụng một số các kỹ thuật và nguyên tắc giao tiếp đơn giản bằng cách làm bài trắc nghiệm nhanh sau đây. Bài trắc nghiệm này do TS. Marlene Caroselli thiết kế nhằm giúp bạn tự đánh giá năng lực thuyết phục và thúc đẩy người khác thông qua giao tiếp. Nó sẽ cho bạn một chỉ số đánh giá về khả năng của bạn, đồng thời giúp bạn biết được mình cần phải nỗ lực hơn trong các kỹ năng nào khi giao tiếp với người khác.
Câu hỏi
1. Để thuyết phục những người khác rằng bạn là người đáng tin cậy, bạn cần phải…
a, Trích dẫn các số liệu thống kê
b, Kể một số chuyện vặt về bản thân
c, Kết hợp cả hai cách trên
2. Lee Iacocca được coi là người bán hàng giỏi nhất của thế kỷ XX. Câu nào trong những câu sau đây thuộc về người thuyết phục siêu hạng này…
a, “Chúng ta cần phải hợp nhất, cố gắng tối đa để đạt được những thành công mới.”
b, “Sau mỗi nỗ lực, trái tim chúng ta cảm nhận buổi bình mình và được trẻ trung lại.”
c, “Công việc của người lãnh đạo là mang tới những tin xấu, khiến mọi người tin vào những điều họ không muốn tin, rồi đứng lên và làm những việc họ không muốn làm.”
3. Một nhà lãnh đạo có khả năng thuyết phục thì…
a, Lắng nghe và nói nhiều như nhau
b, Nói đúng sự thực
c, Thích sử dụng quyền lực
4. Những người thuyết phục hiệu quả thường…
a, Ít lời
b, Dùng những từ thông dụng
c, Giảng giải cho cấp dưới bằng những câu dài dòng
5. Việc lặp lại các từ hoặc ngữ một cách có chủ định…
a, Làm những người nghe/người đọc cảm thấy khó chịu
b, Tạo ấn tượng đơn điệu
c, Là một công cụ thuyết phục hiệu quả
6. Đảo ngữ khi nói là…
a, Một cách chú thích ở cuối trang
b, Một cách diễn đạt, trong đó các từ ở nửa câu đầu được sử dụng theo một cách mới ở nửa câu sau
c, Một kỹ thuật văn chương được các học giả sử dụng
7. Định nghĩa…
a, Nên được đưa ra từ một nguồn nổi tiếng nào đó
b, Phải tạo ấn tượng bao trùm
c, Có hiệu quả nhất khi được người nói sáng tạo ra
8. Một thành ngữ kiểu như “trẻ em là tương lai của chúng ta”…
a, Bị mất tính hiểu quả do được sử dụng quá nhiều
b, Thu hút được một tập hợp người nghe/người đọc đa dạng
c, Nhắc chúng ta về tính mục đích của hành động
9. “Thách thức thực sự đối với các nhà kinh doanh là giao tiếp dựa trên thông tin.” Câu nói này thuộc về…
a, Tổng thống George W. Bush
b, Chuyên gia quản trị Peter Drucker
c, Nhà tương lai học Alvin Toffler
10. Phép ẩn dụ…
a, Theo Aristotle, khi hiểu được, thì sẽ thể hiện sự bắt đầu của một tài năng
b, Theo chuyên gia cố vấn về quản trị Warren Bennis, tạo thay đổi một cách có hiệu quả
c, Theo Jose Ortega y Gasset, nhà triết học và nhà cách mạng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, là quyền lực lớn nhất trên trái đất.
Đáp án
Hãy tự cho 1 điểm với mỗi câu trả lời đúng.
1. b. Nghiên cứu của J. Martin và M. Powers cho thấy các chuyện vặt có hiệu quả nhất trong việc gây dựng lòng tin.
2. c. Phong cách dũng cảm, thẳng thắn và nóng nảy của siêu nhân bán hàng Iacocca được thể hiện trong câu nói này.
3. a. “Một trong những cách tốt nhất để thuyết phục người khác là dùng đôi tai của bạn.” Chúng ta đồng tình với câu nói này của chính khách Dean Rusk.
4. a. Thủ tướng Winston Churchill đã từng nói một câu rất hay: “Những người vĩ đại dùng những từ nhỏ bé.” Chúng ta hãy nhìn lại những lời nói được coi là có ảnh hưởng mạnh mẽ: “Tôi có một giấc mơ” (Martin Luther King), “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc” (John Kennedy), “Chúng tôi không làm những điều vĩ đại – chúng tôi chỉ làm những điều nhỏ bé với tình yêu thương rộng lớn.” (Mẹ Teresa).
5. c. Có rất nhiều ví dụ về những câu nói có sức mạnh truyền cảm hứng bao gồm nhiều từ lặp, đặc biệt là câu nói của các nguyên thủ quốc gia và những nhà chính trị. Họ lặp từ, ngữ vì biện pháp này có hiêuj quả cao. Chẳng hạn như bài diễn văn trong Thế chiến II của Churchill có đoạn: “… Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên mặt đất, chúng ta sẽ chiến đấu trên các cánh đồng và đường phố…”
6. b. Hãy lắng nghe sức mạnh thuyết phục trong những câu bất hủ sau: “Nước Mỹ không sáng tạo ra quyền công dân. Quyền công dân đã sáng tạo ra nước Mỹ” (Jimmy Carter), “Tuổi tác là vấn đề lớn khiến con người lo lắng. Nhưng nếu bạn không lo lắng về nó, thì nó chẳng phải là vấn đề lớn” (huyền thoại bóng chày Leroy Satchel Paige).
7. c. Một định nghĩa lấy trong từ điển sẽ cung cấp những thông tin tẻ nhạt. Năng lực thuyết phục ẩn giấu trong những định nghĩa mới, chẳng hạn như Lon Watters đã nói: “Trường học là một tòa nhà có bốn bức tường chứa tương lai bên trong.”
8. a. Những câu này đã bị lạm dụng, nêu những điều quá hiển nhiên, và mất đi sức mạnh thuyết phục vì mọi người đã nghe nhiều lần, vì thế nên “loại” khỏi những bài nói muốn truyền cảm hứng cho người khác. Để sử dụng lại sức mạnh của ý tưởng này, hãy diễn đạt bằng cách khác, chẳng hạn như: “Để bảo vệ tương lai, chúng ta phải bảo vệ trẻ em.”
9. b. Peter Drucker, cha đẻ của môn Khoa học Quản trị Hiện đại, thách thức chúng ta chuyển từ dữ liệu thành những ý tưởng có ý nghĩa.
10. a, b, c. Mặc dù không nên trộn lẫn những ý tưởng này, nhưng quả thực đó là kết quả của việc sử dụng phép ẩn dụ hợp lý, chẳng hạn như “bức rèm sắt” hay “bức tường thủy tinh.”
Chấm điểm
9-10: Bạn đã hoàn toàn thuyết phục được chúng tôi! Điểm số cao như vậy thể hiện một năng khiếu thực sự. Nếu hiện nay bạn chưa phải nhà lãnh đạo thì bạn nên nắm lấy vị trí đó.
5-8: Bạn hiểu quyền lực của từ ngữ. Bạn hãy cố gắng sử dụng quyền lực đó một cách khôn ngoan.
1-4: Nếu bạn tin vào cơ hội cải thiện các kỹ năng của mình, bạn sẽ cần một thời gian để học được cách thức đạt các mục tiêu mong muốn và gây ảnh hưởng với người khác.
Nguyễn Minh Trang dịch từ BusinessBall